Án lệ Việt Nam – Phân tích và luận giải
(Tập 1 từ án lệ 01 đến án lệ 43)
Tác giả: LS.TS Lưu Tiến Dũng
Nhà xuất bản: Tư Pháp
Ngày xuất bản: Tháng 9/2024
Khổ sách: 17×24cm
Số trang: 852
Hình thức bìa: Bìa Mềm
Giá bìa: 380.000 đồng
Lời tác giả:
“Gần ba mươi năm trước đây, tôi cảm thấy mình rất may mắn được làm thư ký tại một số phiên tòa giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tại đó, tôi đã được nghe các ý kiến thảo luận, tranh luận tuyệt vời của các thành viên Hội đồng Thẩm phán về các tình tiết của vụ án, các quy định của pháp luật cần được áp dụng và đường lối xét xử đối với những vụ án cụ thể được đưa lên nấc thang cao nhất của quyền lực tư pháp để phán định.
Có những vụ án đã xử đi, xử lại hàng chục lần trong khoảng thời gian cả chục năm trời để rồi cuối cùng mới tìm được câu trả lời đúng sai tại phòng xét xử của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Để đưa ra câu trả lời đúng sai đó, các thành viên Hội đồng Thẩm phán với những bộ óc có quyền lực tư pháp cao nhất đã “lật đi, lật lại các tình tiết khách quan, các vấn đề pháp lý, “trao đi, đổi lại” cách hiểu và giải thích các quy định cụ thể của pháp luật. Nhiều lúc tôi đã từng tự hỏi tại sao các phán quyết có giá trị cao nhất này lại không được áp dụng đối với các vụ án tương tự khác. Nhưng thực sự, tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến việc sẽ có một thời khắc nào đó, Việt Nam – một đất nước theo truyền thống dân luật, lại có thể cho phép áp dụng án lệ. Vậy mà giờ đây, án lệ đã thành một phần không thể thiếu của nền tư pháp nước nhà.
Khi đó, những người thư ký phiên tòa của Hội đồng Thẩm phán như tôi không có máy tính, phải cố gắng ghi chép vội vào quyển sổ công tác các ý kiến, lập luận, quyết định và căn cứ đưa ra quyết định của Hội đồng Thẩm phán, và đương nhiên là không thể nào đầy đủ. Có lẽ, đó cũng là một trong những lý do mà các quyết định của Hội đồng Thẩm phán, bao gồm cả các án lệ bây giờ, thường quá ngắn gọn và cô đọng không thể hiện đầy đủ.
Tôi đã dành khá nhiều thời gian nghiên cứu một cách hứng thú ngay từ những án lệ đầu tiên được công bố. Cảm nhận ban đầu và cũng là xuyên suốt quá trình nghiên cứu là các kết luận tại các án lệ đều rất hợp lý. Cảm nhận kế tiếp của tôi là không đơn giản để hiểu rõ và hiểu hết các cơ sở đưa ra các kết luận đó. Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra khiến tôi càng thấy thú vị nghiền ngẫm các án lệ. Liệu các án lệ đó được xây dựng vì chưa có các quy định của pháp luật, không thể áp dụng tương tự pháp luật và không có tập quán để áp dụng? Liệu các án lệ đó là để “giải thích” hay làm rõ các quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau hoặc chưa rõ ràng? Hay các án lệ đó là để chỉ ra cho các Tòa án các cấp phải áp dụng đúng các quy định sẵn có của pháp luật?… Tác giả cố gắng và thử tìm câu trả lời đối với từng án lệ trong cuốn sách này với hy vọng sẽ góp phần hiểu rõ hơn bản chất pháp lý của từng án lệ và khái quát hơn nữa các nội dung án lệ nhằm có thể tham khảo phù hợp hơn trong các vụ việc có tình tiết tương tự.
Với cách tiếp cận đó, khi phân tích và luận giải từng án lệ, trước hết tác giả sẽ trích dẫn các quy định của pháp luật liên quan đến án lệ đó. Quy định của pháp luật liên quan được trích dẫn không chỉ giới hạn ở các quy định đã liệt kê trong phần đầu của án lệ mà còn các quy định khác của pháp luật tác giả cho rằng có liên quan đến vấn đề pháp lý được giải quyết trong tình huống nêu tại án lệ đó. Tiếp theo, tác giả cố gắng “lý giải” các kết luận pháp lý của án lệ thông qua việc phân tích các quy định của pháp luật liên quan để cùng bạn đọc tìm câu trả lời phù hợp cho các câu hỏi trên đây. Cuối cùng, tác giả nêu một số vấn đề có thể cần lưu ý khi áp dụng án lệ cụ thể sau khi đã phân tích và luận giải.
Tiêu đề cho từng án lệ trong cuốn sách này trong phần Mục lục và trước phần trích dẫn nguyên văn từng án lệ là của tác giả. Đối với những án lệ không có tiêu đề, tác giả dựa trên vấn đề pháp lý được giải quyết trong các án lệ đó để đặt tiêu đề.
Cuốn sách này được tiếp nối trên nền cuốn “37 án lệ đầu tiên của Việt Nam – Phân tích và luận giải” do Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản năm 2020 với sự hiệu đính nhất định và bổ sung các án lệ (từ Án lệ số 38 đến Án lệ số 43) được công bố sau khi xuất bản cuốn sách trên cho đến thời điểm này.
Tác giả cảm ơn TS. Đặng Thanh Hoa, các luật sư Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trịnh Ngọc Anh Phương, Phan Văn Công Danh, trợ lý luật sư Nguyễn Minh Trí và Lưu Mỹ Linh đã giúp đỡ tác giả trong quá trình biên soạn và hoàn thiện cuốn sách này.
Xin trân trọng gửi đến bạn đọc cuốn sách với hy vọng góp một phần nhỏ bé trong quá trình xây dựng và phát triển án lệ ở nước ta và mong đón nhận sự góp ý của bạn đọc”, Tác giả LS.TS. Lưu Tiến Dũng
Trích lời giới thiệu của TS. Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XIV:
Cuốn sách “Án lệ Việt Nam – Phân tích và luận giải” được Luật sư, Tiến sĩ Lưu Tiến Dũng, người đã có hơn 30 năm hành nghề luật và có thời gian công tác tại Ban thư ký Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, từng là Thư ký một số phiên tòa giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao – Cơ quan xét xử cao nhất và có thẩm quyền lựa chọn án lệ, hiện là Thành viên Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn YKVN – một trong những công ty luật hàng đầu của Việt Nam, biên soạn một cách công phu với cách tiếp cận phân tích các án lệ xuất phát từ các quy định sẵn có của pháp luật nhằm góp phần hiểu rõ và khái quát hơn nội dung các kết luận pháp lý của các án lệ đã được ban hành.
Với hy vọng Cuốn sách có thể là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho những người làm công tác xét xử và thực tiễn hành nghề luật cũng như các nhà nghiên cứu quan tâm đến án lệ của Việt Nam, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.