Truyền Thông Lý Thuyết Và Kỹ Năng Cơ Bản
Truyền thông là hiện tượng xã hội phổ biến, ra đời, phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người, tác động và liên quan đến mọi cá nhân cũng như các nhóm và cộng đồng xã hội nói chung. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, truyền thông ngày càng có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, động viên, nâng cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm xã hội, nâng cao kiến thức, nhận thức, thái độ về mọi mặt hoạt động của nhân dân. Tuy nhiên, trong khi ở các nước phương Tây, cùng với sự phát triển về lý thuyết, kỹ năng, kinh nghiệm và công nghệ truyền thông đã đến trình độ cao về mọi phương diện thì ở Việt Nam, ngay cả thuật ngữ “truyền thông” cũng chỉ mới được phổ biến khoảng hơn mười năm trở lại đây. Trước những đòi hỏi của thực tế, đồng thời để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên các chuyên ngành báo chí – truyền thông cũng như đông đảo bạn đọc quan tâm, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn Truyền thông – lý thuyết và kỹ năng cơ bản do PGS, TS. Nguyễn Văn Dững (Chủ biên), TS. Đỗ Thị Thu Hằng biên soạn. Cuốn sách cung cấp những kiến thức lý thuyết và kỹ năng truyền thông cơ bản nói chung, truyền thông – vận động xã hội và truyền thông đại chú nói riêng; cũng như cung cấp một số nội dung, khái niệm, kỹ năng, tình huống, cơ chế, chức năng của một số loại hoạt động truyền thông; chu trình, việc lập kế hoạch truyền thông, giám sát, đánh giá, phương pháp sử dụng trong giám sát, đánh giá và các hoạt động để duy trì hoạt động truyền thông. Qua cuốn sách, bạn đọc sẽ thấy hoạt động truyền thông bao gồm nhiều cấp độ, từ truyền thông nội cá nhân đến việc giao tiếp liên cá nhân. Nhưng dù ở cấp độ nào thì truyền thông cũng góp phần quan trọng trong quá trình phát triển nhân cách cá nhân cũng như hình thành diện mạo văn hóa của mỗi con người và của cộng đồng, của quốc gia vì những tác động, và sức lan tỏa, sức truyền dẫn của nó tới công chúng. Cuốn sách là sự tổng kết đúc rút từ nhiều tài liệu và kinh nghiệm của các nước. Do vậy, đây là tài liệu tham khảo giúp sinh viên tạo lập kiến thức nền tảng và nâng cao kỹ năng về giao tiếp – truyền thông – vận động xã hội trong hoạt động truyền thông và báo chí; tăng cường khả năng hội nhập bình đẳng trong phạm vi khu vực và quốc tế, khả năng hòa nhập với các nhóm công chúng – xã hội, một yêu cầu rất quan trọng và là một trong những điểm yếu của sinh viên báo chí – truyền thông nói riêng và sinh viên nói chung ở nước ta hiện nay.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.